Hằng ngày, Chúng ta vẫn thường hay bắt gặp những mẩu tin về việc lừa đảo trên internet, đó có thể là từ Hoàng Tử Nigeria nào đó muốn chuyển khoản cho bạn 10.000 Đô-La chi phí hẹn hò, nhưng trước đó yêu cầu phải cung cấp thông tin mã thẻ ATM/Visa/MasterCard của bạn cho vị này. Những phụ nữ nhẹ dạ cả tin sẽ giao toàn bộ thông tin và đó chính là khởi nguồn của những phi vụ lừa đảo quốc tế kiểu này.
Trong thế giới internet có cả “một rừng“ những hiểm họa khó lường, các chuyên gia bảo mật từ Trend Micro sẽ mách nước cho bạn 5 cách dễ dàng nhất mà ai cũng sẽ làm được để tự bảo vệ bản thân mình.
1. Kích hoạt bảo mật 2 lớp:
Hay còn gọi là xác thực qua hai hoặc nhiều yếu tố để phê duyệt khi đăng nhập, xác minh hai lớp sẽ cung cấp thêm ít nhất một lớp bảo mật ngoài việc đăng nhập và gõ password vào khung đăng nhập thông tin. Khi sử dụng cơ chế bảo mật này, bạn sẽ đăng nhập như bình thường và hệ thống sẽ yêu cầu bạn cung cấp mã xác thực, bạn sau đó sẽ nhận thêm một tin nhắn có kèm đoạn mã vào điện thoại, gõ đoạn mã đó vào trong mục đăng nhâp thì mới có thể đăng nhập thành công.
Khóa bảo mật có nhiều hình thức khác nhau chứ không phải duy nhất gõ đoạn mã, nó có thể là quét vân tay, quét khuôn mặt trên các thiế bị hiện đại, nếu bấm sai quá 3 hoặc 5 lần, tài khoản của bạn có thể tạm thời bị khóa.
Nhiều trang web thương mại điện tử và các công ty lớn thường yêu cầu cung cấp xác minh hai bước trước khi vào được email, bạn cũng có thể tự thiết lập trong phần cài đặt tài khoản của mình. Xác thực hai lớp có thể giúp bạn đảm bảo an toàn ít nhất là khi điện thoại vẫn còn trên tay.
2. Kiểm tra chứng chỉ SSL của trang web:
Bất cứ khi nào bạn mua sắm trực tuyến và nhập thông tin ngân hàng để thanh toán, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng trang web đã được bảo mật SSL hay không? Bởi nếu không được mã hóa bởi SSL các thông tin bạn nhập vào hoàn toàn không được mã hóa và điều đó càng dễ dàng hơn với các Hacker để moi tiền từ bạn.
Bạn cũng có thể tự kiểm tra trang web bạn truy cập xem nó có chứng nhận SSL bằng cách nhìn vào đường dẫn trang web phía trên lúc bạn nhập tên xem có hình biểu tượng ổ khóa hay không? Bấm vào và xem chứng chỉ hợp lệ có hiển thị không? Mặc dù có vẻ phức tạp nhưng thực chất đây là cách đơn giản và nhanh nhất để bảo vệ tài khoản trực tuyến của bạn.
Hoặc dễ dàng hơn, bạn hãy kiểm tra ở URL (đường dẫn) ngay phía đầu là HTTP hay HTTPs, nếu là HTTPs thì có nghĩa trang web này đang được mã hóa dữ liệu SSL. Lưu ý rằng không phải trang web nào có SSL là sẽ an toàn tuyệt đối nhưng nếu có thì ít ra dữ liệu của bạn gửi đi cũng đã được mã hóa chứ không phải hiển thị rõ ràng cho kẻ xấu thấy.
3. Đừng Save thông tin thanh toán cho lần sau!
Thậm chí SSL cũng có thể bị Hack, vì vậy dù bất kì lý do nào, khi bạn sử dụng chức năng “Lưu thông tin thanh toán cho lần sau” trên các trang thương mại điện tư, hãy cực kì cẩn trọng nếu không cần thiết tuyệt đối không dùng!
Nhiều trang mua sắm trực tuyến thường có chức năng yêu cầu người dùng lưu lại thông tin thẻ tín dụng để tiện cho việc thanh toán lần sau, tiện ích ở chỗ là khi mua lần tiếp theo bạn chỉ cần bỏ vào giỏ hàng, bấm thanh toán thông tin tự động hiện lên, Xong! Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu thông tin này cũng bị các Hacker tìm thấy? Nếu bạn lười đến mức cả thông tin thanh toán cũng không bấm nổi thì bạn bị Hack cũng đáng thôi nhưng nếu bạn là người cẩn thận thì tôi tin chắc rằng mất thêm vài phút để bảo mật cũng chẳng hại gì.
4. Thận trọng với những người tiếp cận online!
Ở nước ngoài không lạ với từ Catfishing – ám chỉ những người tiếp cận bạn, tạo vỏ bọc tin tưởng sau đó gợi ý bạn cung cấp những thông tin tín dụng để hòng mục đích trục lợi cá nhân.
Những kẻ này thường rất kiên nhẫn để tạo niềm tin với bạn, nhắn tin hỏi thăm hằng ngày, sau đó có thể là 1 – 2 tháng sau họ sẽ gợi ý hoặc kể khổ để mượn tiền bạn. Trên thế giới, đã từng có nạn nhân bị lừa gạt tổng số tiền lên đến 15.000 Đô-La. Để tránh những Catfishers, chúng tôi kiến nghị bạn không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội và không bao giờ cho người lạ quen biết online vay tiền bởi bạn không thể biết liệu tiền đó có về lại với bạn hay không?
Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ về hành vi của người bạn online nào, hãy tin điều đó và cắt đứt liên lạc ngay với đối tượng này.
5. Tạo mật khẩu đủ mạnh, đủ độc đáo.
Điều tối kỵ đó là việc bạn sử dụng 1 mật khẩu cho tất cả toàn bộ các tài khoản, nó rất không an toàn. Bởi vì thông thường, khi Hacker biết được mật khẩu tài khoản của bạn, chúng sẽ dò tìm tiếp các tài khoản khác bằng mật khẩu đã có.
Mật khẩu mạnh mà Trend Micro gợi ý cho bạn phải đủ ít nhất 12 ký tự, nếu có thể biến nó thành một câu hoặc cụm từ tích cực đối với bạn, dễ nhớ với chỉ riêng bạn (ví dụ: ILoveCountrySide457, IHateYouButILoveYou8865…) thậm chí bạn có thể gõ thêm 1 dãy số dài sau đó, phải đủ khó để bất kì ai ngoài bạn không thể nhớ ngay từ lần thấy đầu tiên bạn nhé!
Trend Micro hy vọng rằng với 5 lời khuyên này sẽ giúp bạn bảo mật thông tin và nếu có thể hãy biến nó thành thói quen bảo mật cho bất kì tài khoản nào. Bạn xứng đáng được bảo vệ nhiều hơn và yên tâm hơn khi trực tuyến hoặc mua sắm online, mà không phải tự biến mình thành trò đùa hay lừa đảo từ những Hacker.