Một sinh viên tấn công 5 giây vào Cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội làm các website này không truy cập được.

Với hành vi trên, Trần Đại Thắng (24 tuổi, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã làm các website ngưng hoạt động trong 5 giây.

Cơ quan chủ quản phải tổ chức chuyên gia khắc phục một giờ sau đó.

Thắng bị TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử và bị tuyên phạt Thắng 3 năm 6 tháng tù về tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số.

“Có tài nhưng xài chưa đúng chỗ”

Trước đó, vào tháng 4/2015, công an TP Huế đã khởi tố, bắt giam Lê Văn Sơn (19 tuổi, ngụ Quảng Nam). Nam là nghi can trong đường dây nhắn tin lừa trúng thưởng trên mạng xã hội.

Đầu năm 2014, Nguyễn Văn Hòa (23 tuổi, ngụ Quảng Trị) cũng bị bắt khi đang là sinh viên lớp kỹ sư tài năng trường ĐH Bách khoa TP HCM.

Theo điều tra, Hòa đã tấn công các trang web và lấy được rất nhiều thông tin tài khoản của người nước ngoài. 

Một vụ việc tương tự cũng xảy ra khi Bùi Minh Trí (lớp 12, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) tấn công trang web của Bộ Giáo dục và đào tạo trong năm phút để chứng minh sự lỏng lẻo của trang này sau nhiều lần trao đổi và thông báo về lỗi bảo mật cho quản trị trang.

Xã hội khiến người trẻ ham nổi tiếng

Thạc sĩ (ThS) xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng: “Về mặt tâm lý, độ tuổi của các bạn trẻ là độ tuổi háo thắng nên họ thường không lựa chọn những việc đơn giản như tấn công các trang web bình thường mà phải là trang web lớn của chính phủ. Họ cho rằng chỉ có hành động như vậy thì mới được nổi tiếng”.

Ông Tiến lý giải, điều này vốn xuất phát từ xã hội. Chính xã hội làm người ta bị choáng bởi hào quang của sự nổi tiếng, tạo cho giới trẻ cảm giác muốn được nổi tiếng, thích chứng tỏ, muốn được người khác chú ý. Và khi đó, những người có năng lực phải tìm cách làm thật sốc mới có được sự quan tâm.

“Chúng ta cứ ca ngợi danh tiếng mà ít quan tâm chuyện học vấn, đạo đức, những đóng góp cho xã hội. Xã hội khiến người trẻ làm mọi cách để được nổi tiếng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, người trẻ hiện nay đang thiếu kỹ năng ra quyết định. Khi làm một điều gì đó, họ không suy nghĩ đến cái lợi, cái hại, xác định được giá trị của việc làm mà chỉ việc hành động ngay.

“Lý do thiếu kỹ năng này một phần là lứa tuổi, một phần vì luôn muốn khẳng định giá trị bản thân nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng” - ông Kỳ Anh nói.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng: “Người trẻ thiếu suy xét trong hành động có thể một phần do tính bốc đồng của lứa tuổi, một phần do không hiểu biết luật pháp nên vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Quan hệ gia đình đứt đoạn

ThS xã hội học Lê Minh Tiến cho biết: “Hiện nay, giáo dục của gia đình và nhà trường đều không chịu nổi áp lực từ sự tác động của truyền thông đại chúng. Một bộ phận người trẻ luôn xem cha mẹ, thầy cô là người không theo kịp thời đại nên ít khi nghe lời và tin theo sự chỉ dạy”.

Ông Tiến nhấn mạnh, mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình rất lỏng lẻo vì cha ông không tiếp cận được công nghệ nên không hiểu được những gì đang diễn ra với con cháu. Do vậy, người trẻ muốn làm gì trên phương tiện công nghệ cao thì làm, bố mẹ hoàn toàn không biết.

“Bố mẹ là nông dân, sắm cho con laptop, thấy con mình dùng thì cứ nghĩ là giỏi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Vì vậy, giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng. Thầy cô mà lạc hậu thì thua”, ông Tiến cho biết.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, nhà trường hiện nay dạy kĩ năng sống chưa thực sự bài bản. Việc tích hợp vào các môn học, ngoại khóa còn hạn chế và lúng túng bởi chính thầy cô giáo cũng chưa được giáo dục kĩ năng sống một cách đầy đủ.

Nhà giáo Kỳ Anh và luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM  đều cho rằng nhà trường hiện đang giáo dục pháp luật... lệch. Tức phần lớn chú trọng vào luật an toàn giao thông mà quên đi các quy định khác liên quan mật thiết tới học sinh - sinh viên như dân sự, hình sự, sở hữu trí tuệ,…Đặc biệt là trong bối cảnh mạng Internet phổ biến như hiện nay.

“Thầy cô làm công tác quản lý càng cần phải tìm hiểu pháp luật thật kĩ”, ông Kỳ Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia Minh Huệ cho rằng gia đình không có sự chia sẻ nên những lúc bạn trẻ có hành vi sai trái thì không ai biết để ngăn cản. Nếu các bạn chia sẻ điều này cho gia đình thì phụ huynh đã có thể nhắc nhở, định hướng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Nhà trường, gia đình phải phối hợp tốt hơn để quản lý con em. Giáo dục đạo đức học đường từ những năm đầu tiên của khối học phổ thông phải được làm thường xuyên”.