Dưới thời CEO Steve Ballmer và phỏ chủ tịch chịu trách nhiệm mảng WindowsSteven Sinofsky, Microsoft đã nhận vô vàn những lời chỉ trích cho thất bại của mình. Còn năm nay, bằng sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella và phó chủ tịch Terry Myerson, hãng đã đảo ngược tình hình và dường như đang trên đường đi đến thành công. Bài viết bên dưới hơi dài, nhưng thông qua nó bạn sẽ được nghe nhiều thông tin thú vị khi những người nằm trong ban lãnh đạo cao cấp của Microsoft nói về đứa con Windows 10 của mình, họ đã tạo ra nó như thế nào, vì sao họ nghĩ Windows 10 sẽ thành công và họ đang chuẩn bị làm gì trong thời gian tới.

Phát triển với tâm thế mở

Terry Myerson chưa bao giờ tưởng tượng rằng ông sẽ ở lại Microsoft làm việc trong thời gian dài. "Ban đầu tôi nghĩ tôi chỉ ở đây vài tuần mà thôi, nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng tôi rất thích mọi người ở Microsoft". Giờ đã là 18 năm kể từ khi anh bán công ty nhỏ của mình cho Microsoft, và trong suốt thời gian đó anh đã kiêm qua việc phát triển hệ thống đồng bộ dữ liệu Exchange cũng như dẫn dắt nhóm Windows Mobile, Windows Phone, và cách đây 2 năm ông cũng được đề bạt lên đảm nhận trọng trách quản lý cả bộ phận Windows.

Áp lực với Myerson không hề nhỏ. Microsoft hiện cần làm sao đó để khách hàng muốn Windows 10 và tiến đến là yêu Windows 10, bởi đây là một đợt cập nhật rất quan trọng với tương lai của công ty. Và nếu người dùng đã muốn, đã yêu như thế thì sẽ tạo ra một lượng người dùng đủ lớn để thu hút lập trình viên phát triển app cho hệ sinh thái này.

 


Myerson tự tin, nhưng không kêu ngạo, về tương lai của Windows. Ông là một người vui vẻ, một người cởi mở, như chính cái cách mà ông chọn để phát hành Windows 10: chấp luôn cả lỗi nhỏ, và tung ra ngay cả trước khi Microsoft kịp suy nghĩ xem tương lai của Windows nên đi theo đường nào.

Điểm đặc biệt ở Windows 10 đó là hệ điều hành này được phát triển dựa trên ý kiến của người dùng, và thay đổi này cũng là một thứ đáng chú ý với một tập đoàn lớn như Microsoft. Trong suốt 9 tháng qua, Microsoft đã cùng với 5 triệu người dùng Windows Insider thử nghiệm Windows 10. Bất kì ai cũng có thể tham gia dùng thử, bất kì ai cũng được quyền đưa ra ý kiến của mình, về bất kì mặt nào trong Windows 10, để rồi nhào nặn sản phẩm cuối cùng vừa phát hành cách đây 1 tuần.

Myerson cho biết: "Nhiều khi cũng khó khăn lắm. Bạn quăng nó ra ngoài đó khi nó chưa hoàn thiện, rồi bạn nhận được đủ thứ loại phản hồi về những thứ mà bạn biết chắc là chưa chạy được". Những lời góp ý như thế xuất hiện rất thường xuyên trong suốt 9 tháng qua, và điều đó vẫn sẽ còn tiếp tục trong tương lai khi mà chương trình Insider vẫn tiếp tục áp dụng cho những đợt update kế tiếp của Windows 10.

Gabe Aul, quản lý trưởng nhóm kĩ thuật cho nhóm hệ điều hành của Microsoft, cũng là quản lý chương trình Windows Insider, giải thích: "Có rất nhiều người phẫy tay bác bỏ về chương trình này. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quyết định là cứ làm tới nơi!".

Aul bắt đầu làm việc cho Microsoft với vai trò hỗ trợ sản phẩm hồi 23 năm về trước. Tiếp đó, ông giúp xây dựng Dr. Watson, một công cụ gỡ lỗi và thu thập dữ liệu lỗi vào những lúc Windows bị crash. Về sau Dr. Watson được phát triển vào tất cả mọi sản phẩm của Microsoft.

Và giờ đây Aul chính là "bộ mặt" của Windows 10. Ông được xem như người phát ngôn chính thức cho chương trình Insider, là người nói về những cập nhật mới trong quá trình phát triển, cũng là người giao tiếp liên tục với người dùng Insider thông qua Twitter. Đáng quý ở chỗ, dù ở cấp cao như thế nhưng Aul vẫn rất "tuyệt". Ông vẫn hằng ngày lắng nghe của hàng triệu người dùng Insider, vẫn hằng ngày trả lời những dòng tweet của fan về các vấn đề của Windows 10, thậm chí còn tiết lộ khi nào thì đợt cập nhật kế tiếp sẽ được phát hành.

Aul thừa nhận ông "cực kì tham vọng về chất lượng phần mềm" sau khi làm việc nhiều năm trong bộ phận hỗ trợ. Điều đó phần nào được tham vọng thông qua hệ thống thu thập phản hồi mà Microsoft phát triển riêng cho Windows 10. Nó có cả một cơ sở dữ liệu riêng, nơi mà các kĩ sư Microsoft có thể mô hình hóa mọi thứ và đưa ra những phân tích chuyên sâu khi cần. Nếu Cortana không chạy được ở Pháp, Microsoft sẽ biết chuyện đó, và các kĩ sư sẽ tiếp tục theo dõi xem liệu những người khác có gặp vấn đề tương tự như vậy hay không theo thời gian thực.

Những lời phản hồi cho Windows 10 không chỉ đến từ những người thử nghiệm, mà còn đến từ báo chí và giới truyền thông nữa. Ví dụ, tính năng Continuum cho phép chuyển giữa chế độ desktop và laptop của Windows 10, đã phải nhận một làn sóng chỉ trích từ những phương tiện truyền thống. Lý do của việc này là vì lúc đầu Microsoft đã bỏ hết mọi tính năng cảm ứng của Windows 8, về sau hãng mới từ từ đưa vào lại. Còn khi nhắc đến biểu tượng thùng rác, Aul cười lớn tiếng về những lời phản hồi hài hước của mọi người khi họ thấy biểu tượng này trong bản đầu tiên của Windows 10.

Nhưng đó chưa phải là tất cả các kênh mà Microsoft nhận góp ý. Myerson nói rằng lúc ông phát biểu nhầm và gây ra làn sóng bàn tán liệu Windows 10 sẽ hoàn toàn miễn phí hay không, "có một chàng trai trẻ ở Bangladesh bằng cách nào đó có được địa chỉ email của tôi, anh ta đang dùng Windows lậu. Đó là một cuộc hội thoại thú vị. Thông qua đó tôi hiểu được rằng anh ta đã kiếm được bản Windows lậu ra sao và vì sao anh ta phải làm thế". Mặc dù vậy, cuộc hội thoại đã không thay đổi được chính sách của Microsoft. Windows 10 vẫn không miễn phí cho người dùng lậu như những hoài nghi ban đầu.

Nhận phản hồi

Để xử lý phản hồi một cách đúng đắn, nhóm xây dựng Windows thường có những cuộc họp để quyết định xem phiên bản nào sẽ được phát hành. Sẽ có một "người chỉ huy" cho cả nhóm trong ngày hôm đó, và anh ta hoặc sẽ đội chiếc nón màu đỏ ghi chữ "Phone" hoặc nón đen ghi chữ "PC". Aul chia sẻ: "Khi chúng tôi muốn nói về bản Windows 10 cho điện thoại, người chỉ huy đó sẽ cởi nón đen ra và đội nón đỏ vào. Đây là cách mà chúng tôi giữ cho mọi người không bị nhầm lẫn".

Việc Microsoft tiếp nhận phản hồi từ người dùng một cách rộng rãi ngay từ những ngày đầu Windows ra đời thực chất là một thay đổi rất lớn so với Microsoft của nhiều năm về trước. Ở thời của Windows Vista, luật sư của Microsoft sẽ đến tận nhà bạn nếu bạn dám viết một thứ gì đó về phiên bản Windows chưa được ra mắt chính thức. Ngay cả khi Windows 8 phát hành, cũng chỉ có giới lập trình viên và nhà phát triển là góp ý về các bản preview của hệ điều hành này mà thôi. Các lãnh đạo công ty thì có vẻ như dành nhiều thời gian hơn cho việc giải thích về các tính năng của Windows 8 trong những bài post đậm chất kĩ thuật thay vì lắng nghe lý do vì sao người dùng không thích những thay đổi trong Windows 8.

Myerson lại có một triết lý khác: "Không phải có một anh chàng nào đó từ trên núi xuống cầm chiếc tablet và nói rằng một sản phẩm đúng đắn thì phải ra sao. Chúng tôi tin rằng chính phản hồi của người dùng mới là thứ định hình nên sản phẩm, và đó cũng là cách mà chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có một sản phẩm tốt."

Từ app đến phone

Microsoft từng rất tham vọng về Windows 8 và tương lai của máy tính màn hình cảm ứng, nhưng tham vọng đó đã không trở thành sự thật. Microsoft bị buộc phải thừa nhận nhiều lần rằng tỉ lệ hài lòng của người dùng chuột và bàn phím với Windows 8 là rất thấp. Lên Windows 10, hãng quyết tâm khắc phục chuyện đó. "Niềm tin chiến lược của chúng tôi đó là nếu chúng tôi có một lượng người dùng lớn... thì các lập trình viên sẽ để app lên store, đơn giản bởi vì khi đó đang có một nhu cầu thật sự", Joe Belfiore cho biết.

Joe Belfiore từng đảm nhận vai trò tùy biến Windows dành cho PC, tabet và điện thoại. Ông cũng dành nhiều năm xây dựng Windows Phone cùng với Myerson. Với nhiều fan Windows Phone thì Belfiore thậm chí còn được xem như bộ mặt của hệ điều hành di động này.



Với Windows Phone 7, nhiều người đã tỏ ra thất vọng vì doanh số bán máy không được như kì vọng, và người dùng hệ điều hành này cũng không được nâng cấp lên Windows Phone 8. Còn khi đã lên đến WP 8 thì mất rất nhiều thời gian WP 8.1 mới ra đời với những tính năng đáng lẽ ra phải có từ lâu. Tất cả đã khiến giới lập trình viên chán nản không muốn làm phần mềm cho hệ sinh thái Windows Phone nữa.

Một trong những lời hứa hẹn của Windows 10 đó là nó có thể chạy một ứng dụng xuyên suốt PC, tablet, điện thoại, thậm chí cả Xbox nữa. Kết quả là điện thoại Windows 10 được hưởng lợi, trên Windows Store sẽ có sẵn nhiều ứng dụng để giúp hệ sinh thái Windows 10 Mobile phát triển một khi hệ điều hành này chính thức cập nhật cho người dùng. "Chúng tôi có một hệ điều hành thống nhất cho tất cả mọi loại thiết bị mà chúng tôi đang làm", Belfiore giải thích, và ông rất tự tin vào tương lai tươi sáng của Windows 10 Mobile.

Nghe thì thật là tốt, nhưng nó vẫn chưa giúp ích gì cho Windows Phone vào lúc này. CEO Satya Nadella mới đây tiết lộ rằng Microsoft đang mạnh tay tái cấu trúc lại mảng phone và sẽ thu nhỏ lại đáng kể so với hồi mới mua lại từ Nokia với giá 7,6 tỉ USD. Khoảng 7800 người đã bị cho nghỉ việc, và Microsoft bắt đầu cắt giảm số lượng model Lumia ra mắt. Myerson nói: "Chúng tôi sẽ tập trung vào việc làm ra ít thiết bị nhưng tuyệt vời, và hầu hết chúng sẽ nằm trong phân khúc cao cấp. Hướng đi mà chúng tôi sẽ theo đó là tạo lập một dòng sản phẩm tầm cao." Ông còn vui vẻ tiết lột: "Sẽ có một chiếc sắp ra mắt, có thể là hai không chừng, nhưng ít nhất là một". Có lẽ Myerson đang nói về chiếc Lumia 940 hoặc 950 và 950 XL đang được đồn ầm ĩ trong nhiều ngày nay.

Belfiore nói thêm về Windows 10 Mobile: "Bản cho điện thoại đã gần như hoàn thiện, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chỉnh sửa đây đó và cải thiện nhiều thứ. Chúng tôi sẽ thêm một ít tính năng mới nữa vào lúc gần ra mắt, nhưng nhìn chung thì những tính năng nào sẽ có thì đã được ấn định rồi".

Bản Windows cuối cùng

Myerson cùng nhóm của mình đã chuyển Windows 10 thành mô hình "Windows as a service", điều này có nghĩa là Windows 10 sẽ được cập nhật liên tục thay vì chỉ update vài năm một lần. Cột mốc đầu tiên cho mô hình này chính là sự kiện ra mắt Windows 10 chính thức, nhưng cũng không có nghĩa là Windows 10 sẽ dừng lại ở đây. Bạn sẽ tiếp tục thấy những bản update khác được phát hành một cách thường xuyên trong thời gian tới.

Myerson cho hay ông tự tin về chất lượng của Windows 10. "Chúng tôi nhìn vào những số liệu đo được và chúng tôi nghĩ rằng chất lượng phần mềm rất tốt, và chúng tôi sẽ tiếp tục khắc phục thêm nhiều thứ khác. Chúng tôi sẽ liên tục sửa đổi. Chúng tôi rất muốn nghe ý kiến từ các bạn và phản hồi lại. Cứ mỗi ngày trôi qua chúng tôi lại tiến hành cập nhật với hơn 30 lỗi to nhỏ đã được sửa". Bằng cách này, Microsoft đảm bảo hãng không lặp lại sai lần như Windows 8 hay Windows Vista, và hãng cũng không được phép mắc lại sai lầm tương tự. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra Windows 10 và xây dựng được một nền tảng với hàng triệu người dùng cảm thấy hài lòng với sản phẩm." Mà một khi người dùng đã thích, đã yêu Windows thì những vấn đề còn lại - chính là giới lập trình viên và hệ sinh thái nghèo nàn - sẽ trở nên dễ giải quyết hơn.

Kết lại, với Windows 10, Microsoft đặt người dùng làm trọng tâm, và cũng đem Windows 10 làm nền tảng trọng tâm cho tất cả mọi sản phẩm khác mà hãng đã phát triển. Đây không chỉ đơn giản là một hệ điều hành, nó là bệ phóng cho tương lai của Microsoft. Microsoft không hề có kế hoạch dự phòng nào khác trong trường hợp Windows 10 thất bại, và hãng rất tự hào về điều đó. "Sẽ không có ai phát triển Windows 11, nhưng có rất nhiều người ở Microsoft đang dồn sức tạo ra những bản update ngon lành cho Windows 10."